Tai nạn giao thông là hiểm họa thường trực đối với mỗi người khi tham gia giao thông. Trên phạm vi cả nước, mỗi ngày xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông làm chết và bị thương nhiều người; hậu quả để lại nỗi đau cho người thân, thêm một gánh nặng cho xã hội và gây tổn thất về vật chất của gia đình và xã hội.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức của người dân quá kém: uống rượu bia vượt quá nồng độ cho phép, không đội mũ bảo hiểm, chở trên 3 người và phóng nhanh vượt ẩu. Tai nạn giao thông gây ra hậu quả rất lớn, gây thiệt hại về tính mạng con ngươì, tài sản và chất lượng cuộc sống của con người. Từ đó bản thân mỗi người trong xã hội cảm thấy và nhận thức về an toàn giao thông là vô cùng quan trọng trong đời sống.
Sau đây là một số nội dung cơ bản mà mỗi chúng ta đã, đang và cần phải tiếp tục thực hiện:
- Trước khi tham gia giao thông phải kiểm tra mức độ an toàn của phương tiện.
- Phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ theo quy định khi tham gia giao thông.
- Phải đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng. Nói không với mũ bảo hiểm kém chất lượng.
- Đi đúng làn đường, phần đường, vạch đường,… theo quy định, luôn luôn có thái độ chấp hành đúng luật lệ an toàn giao thông.
- Đảm bảo đúng tốc độ. Nêu cao ý thức nhường đường, rẽ trái, rẽ phải… đúng quy định. Rèn luyện tính kiên nhẫn, chờ đợi khi gặp đèn tín hiệu giao thông hay tắc đường. Phải biết giúp đỡ người bị tai nạn giao thông.
- Bảo vệ người thân, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp khỏi tai nạn giao thông bằng cách thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra, phê bình, kiểm điểm việc chấp hành luật giao thông.
- Bảo dưỡng định kỳ các phương tiện cẩn thận.
- Các loại xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (đặc biệt là xe buýt, xe taxi), lái xe (người điều khiển phương tiện) thực hiện đúng quy tắc giao thông đường bộ, không gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sử dụng điện thoại khi lái xe; dừng, đỗ xe sai quy định; không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông “vượt đèn đỏ”; lưu thông vào đoạn đường cấm, đường một chiều;…