Trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ chống thực dân Pháp ngày 23/11/1940, tại xã Hưng Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang xuất hiện lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được cắm cao trên cây bàng trước sân đình. Từ đây, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay khắp Nam Kỳ trong những ngày cuối tháng 11/1940 lịch sử. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941) ở Pắc Bó, Cao Bằng do lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì, bên cạnh việc quyết sách nhiều chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng, Hội nghị đã lấy cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ. Lá cờ đỏ sao vàng treo tại buổi lễ thành lập Việt Minh (19/5/1941) hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Ngày 16/8/1945, tại Tân Trào, Tuyên Quang, Quốc dân Đại hội đã thống nhất quyết định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập lá cờ đỏ sao vàng tung bay từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, đến tận cùng các hải đảo xa xôi. Ngày 5/9/1945, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 5/SL ấn định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng; và cũng tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, ngày 2/3/1946, toàn thể đại biểu Quốc hội đã biểu quyết nhất trí cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ nước ta.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm quay sang chống phá Hiệp định, phá hoại tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà. Trước tình hình đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960), Đảng ta đã chủ trương thành lập Trung ương Cục ở miền Nam để giúp Trung ương Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo phong trào cách mạng Miền Nam. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam… Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Với ý nghĩa: nửa trên (màu đỏ) đại diện cho miền Bắc đã độc lập. Nửa dưới (màu xanh dương - màu xanh hòa bình) tượng trưng cho miền Nam chưa được độc lập, còn dưới ách đô hộ của đế quốc Mỹ và chế độ Sài Gòn, song miền Nam đấu tranh cho khát vọng hòa bình, thống nhất.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ Giải phóng hiên ngang phất phới tung bay trên cột cờ Dinh Độc lập (nay là Dinh Thống nhất). Với ngày lịch sử quang vinh đó, cờ đỏ sao vàng và cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tràn ngập cả thành phố mang tên Bác Hồ - Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc và hai miền thống nhất, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Việt Nam khóa VI, cờ đỏ sao vàng tiếp tục trở thành Quốc kỳ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trải qua 80 năm, lá cờ đỏ sao vàng trở thành hồn thiêng của sông núi, sức mạnh của cả dân tộc, khí thế của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Ở đâu có phong trào cách mạng là ở đó có cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay, cờ ra mặt trận, cờ đến công trường, cờ về đồng ruộng… Lá cờ đỏ luôn dẫn dắt, vẫy gọi mọi người vượt qua gian khổ, hy sinh tiến lên giành thắng lợi. Cũng từ đó lá cờ của Tổ quốc chúng ta tung bay khắp năm châu bốn biển.
Lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng quốc gia của Việt Nam, luôn đồng hành và tỏa sáng trong những dịp quan trọng và lịch sử của đất nước. Việc treo cờ Tổ quốc không chỉ là việc tự hào mà còn là sự tôn trọng và lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam. Chúng ta hãy cùng nhau biến niềm tự hào thành hành động thiết thực, góp phần vào sự phát triển và vẻ đẹp của đất nước.
Trong những năm gần đây, việc triển khai thực hiện công trình “Đường cờ Tổ quốc” là việc làm rất có ý nghĩa trong việc giáo dục lòng yêu nước cho người dân một cách tự nhiên, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Mỗi khi đi trên các tuyến đường cờ Tổ quốc, mỗi người đều nhân lên niềm tự hào dân tộc, đồng thời luôn nhắc nhớ về truyền thống cách mạng, sự hy sinh to lớn của ông cha ta để cho thế hệ hôm nay có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Từ đó mọi người càng có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, góp phần xây dựng thành phố Thủ Đức văn minh - hiện đại - nghĩa tình.
Qua nhận thức và hiểu biết của mình, hãy viết lên những cảm nhận sâu sắc về “Quốc kỳ Tổ quốc Việt Nam”, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh của đất nước Việt Nam; việc xây dựng các tuyến “Đường cờ Tổ quốc” và vận động Nhân dân tự giác treo cờ Tổ quốc vào những dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, góp phần thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Đăng nhập vào Google để lưu tiến trình của bạn. Tìm hiểu thêm
THỂ LỆ VÀ HÌNH THỨC TRÌNH BÀY
- Các tác phẩm dự thi viết bằng Tiếng Việt, thể hiện dưới hình thức thơ, văn xuôi, mỗi tác phẩm có độ dài tối thiểu 500 từ và không quá 1.000 từ.
- Tác phẩm dự thi có thể viết tay hoặc đánh máy, trình bày rõ ràng trên một mặt giấy khổ A4,cỡ chữ 14, phông chữ Times News Roman.
- Thông tin về tác giả và tác phẩm dự thi ghi rõ trên trang đầu tiên của tác phẩm dự thi. Các thông tin bắt buộc, bao gồm: Họ và tên, nơi làm việc, sinh hoạt, địa chỉ liên lạc, số điện thoại, đối tượng dự thi.
- Tác phẩm dự thi phải là tác phẩm chưa được sử dụng, chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông đại chúng hoặc ấn phẩm nào, chưa đưa lên các websites, blogs, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter… của các tổ chức, cá nhân, chưa gửi dự thi ở các cuộc thi nào khác. Các tác phẩm dự thi không được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi kết thúc cuộc thi. Tác giả dự thi phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về tính chân thực và nội dung bài dự thi của mình.
TIÊU CHÍ XÉT GIẢI
Các tác phẩm được chọn để xét trao giải thưởng phải đảm bảo:
- Có nội dung theo đúng quy định.
- Đảm bảo tính chân thực, chính xác.
- Có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn; có tác động tích cực tới người đọc về tình cảm, cảm xúc, góp phần nâng cao niềm tự hào, mến yêu của cá nhân đối với lá cờ Tổ quốc.
- Được trình bày sạch sẽ, diễn đạt mạch lạc, khúc chiết, văn phong trong sáng, nghiêm túc.
THỜI GIAN NHẬN, CHẤM TÁC PHẨM VÀ TRAO GIẢI
- Nơi nhận đối với bản cứng: Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy; các đơn vị gửi tác phẩm dự thi, đồng thời gửi bản điện tử (file) về Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Thủ Đức qua hộp thư điện tử tuyengiao.tpthuduc@tphcm.gov.vn
- Người nhận: Đồng chí Nguyễn Thị Đẹp, Đặng Thị Thu Tâm, Vũ Văn Lực.
- Thời gian nhận tác phẩm: hạn cuối nộp tác phẩm đến 10 giờ 30 phút, ngày 09 tháng 5 năm 2025.
- Thời gian chấm: từ ngày 10/5/2024 đến hết ngày 15/5/2025.
- Thời gian công bố và trao giải: từ ngày 16/5/2025 - 19/5/2025.
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
Giải thưởng bao gồm 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 20 giải khuyến khích và một số giải phụ khác. Cơ cấu giải thưởng có thể thay đổi tùy tình hình thực tế của cuộc thi. Cụ thể:
- Giải nhất: 01 giải trị giá 3.000.000 đồng.
- Giải nhì: 02 giải, mỗi giải trị giá 2.000.000 đồng.
- Giải ba: 03 giải, mỗi giải trị giá 1.000.000 đồng.
- Giải khuyến khích: 20 giải, mỗi giải trị giá 500.000 đồng.
- Giải thí sinh tham gia lớn tuổi nhất: 01 giải trị giá 500.000 đồng.
- Giải thí sinh tham gia nhỏ tuổi nhất: 01 giải trị giá 500.000 đồng.
- Giải thí sinh trình bày bài viết đẹp: 01 giải trị giá 500.000 đồng.
- Giải đơn vị có số bài dự thi nhiều nhất: 02 giải, mỗi giải trị giá 2.000.000 đồng.
- Giải đơn vị có tuyến “Đường cờ Tổ quốc Văn minh - Sạch, đẹp - An toàn”: 05 giải, mỗi giải trị giá 2.000.000 đồng.