Thuốc lá là một loại cây có độc, nhất là những lá già, có hàm lượng Nicotin cao, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác.
Sử dụng thuốc lá là hành vi hút, nhai, ngửi, hít, ngậm sản phẩm thuốc lá.
Tác hại của thuốc lá là ảnh hưởng sức khỏe con người, môi trường và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể: Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc dễ bị các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp, rụng tóc, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi....
1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn
+ Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:
- Cơ sở y tế;
- Cơ sở giáo dục, trừ Trường cao đẳng, đại học, học viện;
- Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;
- Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
2. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá
- Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.
- Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước.
- Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
3. Nghĩa vụ của người hút thuốc lá
- Không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
- Không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi.
- Giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.
4. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá
- Được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá.
- Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
- Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá.
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
- Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
5.Các hành vi bị nghiêm cấm
- Sản xuất,muabán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao,gói hoặc điếu thuốc lá;muabán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu.
- Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.
- Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá,trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này.
- Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua,bán thuốc lá.
- Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua,bán thuốc lá.
- Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
- Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
- Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.
- Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.
Nước ta hàng năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến hút thuốc lá, chưa kể những tác hại sức khỏe không nhỏ đến 70% phụ nữ và 50% trẻ em do hít khói thuốc là thụ động của người trong gia đình hút thuốc lá trong nhà.
Thuốc lá gây nghiện, người hút thuốc lá càng lâu thì ngày càng hút nhiều hơn nên tác hại đến sức khỏe của chính mình và người chung quanh ngày càng lớn hơn. Sự tốn kém về tiền bạc, công sức đổ vào việc hút thuốc lá rất nhiều, như phải thường xuyên chi tiền mua thuốc hút, rồi tiền chữa bệnh do hút thuốc gây ra, công sức người nhà nuôi bệnh.
6. Trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá
- Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; nếu dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức việc xử lý vi phạm đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Bộ Công thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức việc xử lý vi phạm đối với hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thuộc khu vực biên giới và lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức việc xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để tổ chức, chỉ đạo, bố trí lực lượng và phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm, kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chủ trì, tổ chức việc xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm công cộng có quy định cấm thuộc địa bàn quản lý.
- Cơ quan, người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định tại các khoản 2, 4, 6 và 7 Điều này, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển cơ quan tiến hành tố tụng để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.